Tăng cường quản lý rau an toàn trên địa bàn Thủ đô

Hiện nay, nhu cầu sử dụng rau an toàn của người dân tại TP Hà Nội tăng cao khiến cho nguồn cung ngày càng nhiều. Sản phẩm rau an toàn được bán chủ yếu trong siêu thị và chợ dân sinh. Tuy nhiên, việc phân biệt chất lượng các loại rau còn khó khăn với người dân.

Vì vậy, cần tăng cường quản lý, nguồn cung ứng để bảo đảm chất lượng rau đến tay người tiêu dùng.

Tại chợ dân sinh Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội), hình ảnh những sạp hàng bán rau xanh mướt, bắt mắt đã không còn xa lạ gì với người dân nơi đây. Được biết, các loại rau thường được thu mua nhỏ lẻ từ các hộ gia đình trong địa phương và vùng lân cận, không truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, việc kiểm chứng chất lượng rau còn hạn chế. Chị Mai Thị Lan (Phúc Đồng, Long Biên) chia sẻ: “Tôi thường chọn mua các loại rau còn tươi, cây và lá phát triển vừa phải, không sâu bệnh. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ không phân biệt được rau có sử dụng các loại hóa chất độc hại hay không”.

Tăng cường quản lý rau an toàn trên địa bàn Thủ đô

Người dân mua các sản phẩm rau được chứng nhận an toàn tại siêu thị.

Nhờ thực hiện có hiệu quả đề án “Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn”, TP Hà Nội đã tạo ra nguồn cung ứng rau an toàn, phục vụ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch của người dân. Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội cho biết, thành phố hiện có hơn 5.000ha/12.000ha rau canh tác được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong đó, có hơn 1.200ha cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Các vùng rau ứng dụng khoa học kỹ thuật tốt như: Che phủ ni lông, nhà lưới, trồng rau trái vụ, tăng thêm 3-5 vụ/năm. Tại các vùng sản xuất rau tập trung, năng suất tăng 30,6%; sản lượng tăng 40,7%, giá trị sản xuất trung bình đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm, giá trị sản xuất rau an toàn cao hơn 10-20% so với rau không được chứng nhận. Hiện có 208 doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm rau an toàn trên địa bàn thành phố, so với 112 doanh nghiệp năm 2016, lượng tiêu thụ rau an toàn qua hợp đồng trung bình đã tăng từ 15 tấn/ngày lên 42 tấn/ngày.

Tuy nhiên, việc quản lý sản xuất rau an toàn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do nông dân sản xuất quy mô nhỏ, phân tán. Cùng với đó, hiện mới có 30% số hộ nông dân (trong tổng số 200.000 hộ sản xuất rau an toàn trên địa bàn) sản xuất lớn và tham gia lớp học đồng ruộng (FFS) về quản lý dịch hại tổng hợp. Trong khi sản xuất rau an toàn đòi hỏi phải có nhiều kiến thức, kỹ năng… Bên cạnh đó, số hoạt chất và tên thương phẩm thuốc bảo vệ thực vật quá nhiều (gần 1.800 hoạt chất và trên 4.000 tên thương phẩm). Cùng những diễn biến phức tạp của tình hình sâu bệnh càng gây khó khăn cho nông dân trong việc lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật.

Khi rau đã đưa ra thị trường tiêu thụ, người dân sẽ khó nhận diện được các loại rau an toàn và không an toàn. Vì vậy, cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất của người nông dân. Để tăng cường quản lý rau an toàn tại Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội phấn đấu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định cho 90% diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn. Cùng với việc duy trì hiệu quả diện tích sản xuất hơn 5.000ha đã được cấp chứng nhận sẽ mở rộng thêm diện tích 3.000-4.000ha sản xuất rau an toàn; nâng cao giá trị sản xuất đạt 500 triệu đồng/ha/năm trở lên. Đồng thời, tăng cường kiểm soát 30-40 mô hình chuỗi cung cấp rau an toàn và 100% sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo qdnd.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tin mới nhất

Next Post