Nuôi trồng thủy sản VietGAP hay hữu cơ là xu hướng mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi và bền vững với môi trường sinh thái. Hướng đi này cần được tích cực nhân rộng ở nhiều nơi để phát huy và tận dụng được những thế mạnh vốn có về nuôi trồng thủy sản.
Nuôi thủy sản VietGAP hay hữu cơ là những hình thức nuôi trồng gần với tự nhiên, không sử dụng các chất hóa học, không sử dụng các sản phẩm biến đổi gen, các sản phẩm tạo ra từ công nghệ gen. Quy trình nuôi này áp dụng các biện pháp tốt nhất bảo vệ hệ sinh thái, gìn giữ đa dạng sinh học, hạn chế tối đa tác động gây ô nhiễm và mất an toàn từ các hoạt động nuôi tới con người và môi trường.
Chú trọng môi trường
Để bảo đảm được các nguyên tắc trên, bảo đảm môi trường nước sạch là một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế dịch bệnh, không tác động tiêu cực đến môi trường, hệ sinh thái.
Nuôi trồng và chế biến thủy sản nuôi tôm công nghệ cao thành công nhờ tập trung đầu tư xây dựng hệ thống xử lý môi trường đảm bảo theo công nghệ sinh học hiện đại.
Cơ cấu lại diện tích nuôi, thêm các ao hỗn hợp lọc nước biển vào đồng thời kiểm soát chặt chẽ các chỉ số trong từng ao nuôi. Dành một phần diện tích ao nuôi để xử lý nước trước khi đưa vào nuôi và bố trí diện tích hồ nuôi nhỏ hơn so với các hồ bình thường, giúp xử lý sục khí nhanh hơn.
Đặc biệt, hệ thống xử lý nước sau khi nuôi theo mô hình 3 ao đã giúp nước thải sau khi xử lý đảm bảo chất lượng nước nằm trong ngưỡng cho phép xả thải theo quy định của Bộ NN&PTNT.
![]() |
Nuôi trồng thủy sản cần bảo đảm môi trường tự nhiên để phát triển bền vững |
Thúc đẩy phát triển bền vững
Trong quá trình sản xuất, sử dụng men vi sinh để phân giải thức ăn dư thừa và chất thải giúp đáy ao sạch, cải thiện môi trường ao. Men vi sinh còn cung cấp vi khuẩn có lợi nhằm cạnh tranh thức ăn với vi khuẩn có hại giúp giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh và tỷ lệ sống sót của tôm cao hơn.
Việc chủ động sử dụng chế phẩm sinh học thay thế cho thuốc kháng sinh, chất cấm trong nuôi thủy sản, chú trọng xử lý nước thải trên là hướng đi có ý nghĩa thực tiễn nhằm bảo vệ môi trường bền vững, hạn chế dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, từ đó góp phần đưa nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Nuôi trồng thủy sản theo mô hình khép kín, đầu tư công nghệ cao, không sử dụng kháng sinh… ngoài mục tiêu đảm bảo đầu ra ổn định còn hỗ trợ công tác truy xuất nguồn gốc, nâng cao uy tín sản phẩm, tăng sức cạnh tranh để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là một xu thế tất yếu giúp ngành nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
Tuy nhiên, nhiều người dân, vẫn chưa mặn mà với quy trình chăn nuôi khoa học (VietGAP, ASC…) vì cho rằng quá trình sản xuất và giám sát có nhiều quy định khắt khe, phức tạp, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước đáp ứng những yêu cầu về chất lượng nên chi phí sản xuất cao.
Chính vì vậy, để nuôi trồng thủy sản khoa học, thực hiện theo chuỗi, ngoài sự chủ động, quyết tâm rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương và các ban ngành để tháo gỡ những khó khăn, nhất là khó khăn về vốn.
Bên cạnh đó, các cấp cần tập trung phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao. Đẩy mạnh đào tạo kỹ thuật mới giúp người dân nâng cao tay nghề. Từ đó nhân rộng những mô hình khả dụng, tăng hiệu quả nuôi trồng thủy sản. Bà con cũng cần mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tích cực học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà…
ST